Thông Báo
Giáo Lý
Hội Cao Niên
Legio Mariae
Ơn Thiên Triệu
Ca Đoàn Giới Trẻ
Trường Việt Ngữ
Gia Đình Nazareth
Thừa Tác Viên TT
Đao Binh Hồn Nhỏ
Canh Tân Đặc Sủng
Phong Trào Cursillo
Thiếu Nhi Thánh Thể
Liên Minh Thánh Tâm
Các Bà Mẹ Công Giáo
Ca Đoàn St. Nicholas
Thăng Tiến Hôn Nhân GĐ
Nối Kết Website
Cộng Đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Của Tôi

Trước hết, tôi xin tâm sự với quý vị đây chỉ là một vài dòng đơn sơ để tỏ lòng tôi yêu quý cộng đoàn. Tôi không biết viết truyện. Tôi nhớ hồi học lớp 4 tiểu học, tôi ngồi cạnh Thu Vân. Trong giờ làm luận văn đầu tiên, tôi chỉ viết được có một trang mà nó viết đến 5, 6 trang. Tôi ngạc nhiên ngoài sức tưởng tượng. Chữ đâu trong đầu nó mà tuôn ra ào ào như thế, tay nó viết không dừng từ trang này qua trang khác. Mãi sau này mới biết cô bé đó đã trở thành nữ văn sĩ Nhã Ca.

Tôi thương nhà thờ St. Nicholas, tôi thương cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như thương quê mẹ.  Nhà thờ St. Nicholas đã bảo lãnh cho gia đinh tôi ra khỏi trại tỵ nạn Camp Pendleton năm 1975. Hồi ở trong Camp Pendleton, đứa con gái út của tôi quá bé nhỏ và bị cảm cúm hoài vì ban đêm ở trong trại lạnh quá. Cho nên tôi và bé ít khi ra khỏi căn lều của mình. Thời gian trôi qua, những người xung quanh tôi hầu hết đã có người bảo trợ. Họ được người bảo trợ đem quà bánh tới, họ rất vui vẻ và tràn đầy hy vọng. Gia đình tôi cũng có hai người bạn thân ở Pensylvania và Washington D.C. muốn bảo trợ, nhưng tôi thấy hai tiểu bang đó lạnh quá nên không chịu đi, nhưng cảm thấy buồn. Tôi nghĩ nếu tôi cứ ở trong lều hoài thì ai biết đến tôi mà bảo trợ. Vì thế, một buổi sáng Chúa Nhật nắng ấm, tôi ẵm bé đi chơi trong trại, ngắm đồi hoa cải màu vàng rực rỡ sau lưng trại, nhìn người này người kia xem có ai quen không.  Tình cờ tôi gặp một vị linh mục người Mỹ và tôi xin Cha bảo trợ cho gia đình tôi. Đó là Cha Otto Sporrer, chánh xứ nhà thờ St. Nicholas. Cha nói không thể được vì nhà thờ đã bảo trợ nhiều gia đình rồi, bây giờ Cha vào trại để thăm họ Tôi nâng em bé lên gần Cha và xin Cha bảo trợ thêm gia đình tôi nữa, cho em bé được rửa tội vì tôi sinh bé ra được mấy ngày là đi rồi, chưa kịp rửa tội. Thế là một vài tuần sau, cha Coglan từ nhà thờ St. Nicholas đến đưa gia đình tôi ra khỏi trại. Cha đem chúng tôi vào nhà thờ để cảm tạ Chúa trước khi đến căn nhà mà nhà thờ đã thuê sẵn cho chúng tôi. Chao ôi, tỵ nạn sao mà sướng thế, nhà cửa đàng hoàn, có bàn ghế, có son quánh trong bếp, có nôi cho em bé và áo đầm treo sẵn trong closet cho hai bé lớn. Một tuần sau, em bé được rửa tội ngay trong buổi lễ sáng Chúa Nhật tại nhà thờ. Chúng tôi sung sướng không tả được. Từ đó gia đình chúng tôi thuộc về nhà thờ St. Nicholas và cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Các người Mỹ trong nhà thờ đến đưa chúng tôi đi chợ, dạy chúng tôi làm bánh, nấu ăn, lái xe, v.v. Cộng đoàn đã thương yêu đùm bọc gia đình chúng tôi. Chúng tôi cảm tạ Chúa và biết ơn những ân nhân này vô cùng. Các cháu lớn của tôi theo học các lớp xưng tội rước lễ cho đến thêm sức, theo chương  trình của người Mỹ tại đó.

Trong thời gian 10 năm đầu của cộng đoàn Việt Nam ở Saddleback, gia đình tôi ít tham gia vào sinh hoạt cộng đoàn. Thỉnh thoảng gia đình tôi có tham dự thánh lễ Việt Nam, nhưng các con tôi không hiểu tiếng Việt và thường hay ngủ gục sau một ngày đi chơi ở biển hoặc công viên. Vì thế chúng tôi tiếp tục đưa các cháu đi xem lễ Mỹ vào buổi sáng để các cháu tĩnh táo không ngủ gục và có thể đọc kinh ca hát với cộng đoàn trong nhà thờ. Mãi cho đến mùa thu năm 1993, khi bé út đi học đại học, tôi mới trở lại dự lễ với cộng đoàn người Việt ở nhà thờ St. Nicholas. Tôi ngỡ ngàng thấy cộng đoàn mình đã có đầy đủ các hội đoàn như Các Bà Mẹ Công Giáo (CBMCG), Cursillo, Legio, v.v.  Tôi cảm thấy lạc lõng như một người đi lạc lâu năm trở về. Tôi không thuộc về một hội đoàn nào cả, không quen thân với ai trong cộng đoàn này. Tôi nuối tiếc những năm đã tự mình tách ra khỏi cộng đoàn. Gặp chị Dung, tôi hỏi chị có hội đoàn gì cho tôi vào với. Chị bảo tôi vào hội CBMCG. Hồi đó hội CBMCG chỉ có khoảng từ 8 đến 12 người đi họp, nhưng các chị họp rất đều đặn hàng tháng. Các chị đọc kinh cầu nguyện cho gia đình, cho ơn thiên triệu, và khuyến khích nhau sống đạo, luyện tập những đức tính tốt và chu toàn bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình. Tôi lại tiếc là đã không tham gia hội sớm hơn, khi các con tôi đang còn ở nhà để tôi học kinh nghiệm của các chị mà làm một người mẹ tốt hơn. Nhìn thấy các chị chia sẻ kinh nghiệm sống một cách chân thành, tôi cảm thấy như Đức Mẹ đang bao phủ tất cả chúng tôi với một tình thương nhẹ nhàng, tình mẹ thương con.

Phần lớn các chị trong hội CBMCG nấu ăn rất giỏi. Tài nấu ăn này thì tôi hoàn toàn chịu thua. Cho tôi chiên chả giò hay rửa chén bát thì chắc ăn hơn. Hồi ba đứa con tôi còn ở nhà tôi cũng siêng nấu ăn lắm. Đến giờ cơm tối, các con giúp tôi dọn cơm ra bàn, dọn món nào các con cũng nói “Yummy, Mommy!” Có lần cô giáo dạy bé Thư lớp 3 tiểu học gọi tôi để xin công thức làm Taco sauce. Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao cô lại xin tôi , cô trả lời là bé Thư đã nói với cô là mẹ Thư làm Taco sauce ngon nhất thế giới! Thật ra tôi chỉ mua chai Taco sauce ở chợ rồi thêm hành tây, cà chua cho các con ăn thêm rau trái thế thôi. Thế là cả cô giáo và tôi đều cười vui. Mẹ nấu con khen ngon, như ông bà mình thường có câu “con hát mẹ khen hay.” Có điều lạ là tôi thích rửa chén bát lắm. Có lẽ là vì tôi thích cái cảm giác nước chảy trên tay tôi, như nhìn dòng nước trong chảy qua những viên sỏi đá trong các lạch nước. Và cũng vì từ những chén bát dơ, ngổn ngang hỗn độn qua dòng nước và bàn tay tôi, chúng biến thành những hàng hàng lớp lớp muỗng, đũa, ly, chén, dĩa sạch sẽ ngăn nắp thứ tự, đem lại sự an hòa trong tâm hồn. Khi nào cộng đoàn có tiệc mừng lễ bổn mạng hay Tết thì các chị trong hội CBMCG lo đủ thứ. Các chị đến sớm trong nhà bếp hội trường để sửa soạn thực phẩm, đến giờ thì thay quần áo để ra nhà thờ dự lễ và tiếp đón cộng đoàn dự tiệc, rồi ăn vội vã (có khi không còn thức ăn cho các chị nữa) để còn vào rửa son quánh, lau dọn nhà bếp trước khi về. Cực nhọc mà luôn luôn tươi cười, nhẫn nại. Thương các chị là ở chỗ đấy. Mà chưa hết đâu, còn cái mục văn nghệ nữa chứ. Các chị góp phần văn nghệ cho Tết cộng đoàn trong mấy năm qua có thua gì Paris By Night đâu, phải không quý vị? Hội CBMCG có một chị vừa là kịch sĩ, đạo diễn, vừa là người viết truyện cho kịch, xuất sắc tài ba chưa từng có. Nhờ chị mà hội đã góp phần văn nghệ cho Tết cộng đoàn có đủ muôn màu, có đủ mọi lứa tuổi từ già đến bé.  Nào là kịch bà già Việt Nam với hàm răng đen bóng hạt huyền đến chúc Tết cha quản nhiệm và cộng đoàn, vui quá là vui. Nào là hoạt cảnh trai gái quê Việt Nam du xuân, đầu năm đi coi bói, đánh bầu cua tôm cá thử thời vận lại gặp ông thầy bói giả mù. Màn hoạt cảnh này vừa mang một sắc thái đậm đà quê hương, vừa có những áo quần màu sắc rực rỡ làm vui nhộn cho ngày Tết. Rồi đến hoạt cảnh Tiếng Dân Chài nhắc đến chuyện Chúa Giêsu chọn các ngư phủ làm môn đệ. Tiếng nhạc đang sôi động thì bỗng tắt đi để chiếu hình Chúa Giêsu hiện ra trên vách tường, nhưng khán giả tưởng là máy nhạc bị hư nửa chừng nên cười ồ lên, không nghe được rõ tiếng Chúa. Giọng anh Đoàn Hùng nói lời Chúa hay tuyệt vời mà không nghe rõ uổng quá! Mọi người đóng góp giúp vui một cách chân thành, không có sự tranh đua hay chỉ trích.

Dễ thương nhất là các em trong trường Giáo Lý và Việt Ngữ múa hát. Sister Linh trưởng ban Giáo Lý làm kịch rất có ý nghĩa và Cha Danh – thôi thì khỏi nói – tiếng đàn hát của Cha làm vui và ấm lòng mọi người trong cộng ̣đoàn. Tiệc mừng Tết ở cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thật là vui và dễ thương, với không khí của một đại gia đình, cha mẹ, con cái anh em hát cho nhau nghe. Có vài lần cộng đoàn mời ca sĩ chuyên nghiệp đến giúp vui, nhưng tôi thấy không vui lại vừa tốn tiền, có lẽ là vì không có sự liên hệ thân tình giữa họ với cộng đoàn. Nếu muốn nghe hát hay thà mình mua vé đi xem Paris by Night hay chương trình Asia còn hơn.

Lúc này hội CBMCG ở cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã có đến 25 – 30 thành viên. Chúng tôi họp hằng tháng để tiếp tục cầu nguyện cho gia đình, cho ơn thiên triệu. Chúng tôi dâng lên Đức Mẹ và Thánh Monica quan thầy của hội tất cả con cháu trong gia
đình, xin các Ngài gìn giữ cho khỏi hư mất. Chúng tôi chia sẻ những băn khoăn lo lắng trong đời sống và giúp đỡ lẫn nhau trong một không khí rất là chân tình và kín đáo. Một đặc điểm khác của hội CBMCG là có một chị luôn luôn đem hoa đến dâng Đức Mẹ trong buổi họp hằng tháng. Khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau, chị luôn luôn có một bình hoa dâng Mẹ. Cái biệt tài của chị là những bình hoa này rất đơn sơ, chỉ góp nhặt một vài bông hoa trong vườn, một vài cành lá xanh tươi, thế mà chị làm nên những bình hoa rất nghệ thuật, nhìn mãi không chán.

Một thời gian ngắn sau khi gia nhập hội CBMCG thì chị Nguyệt bảo trợ cho tôi đi dự khóa Cursillo. Từ đó tôi tham dự đều đặn những buổi họp của Cursillo như Ultreya, Liên Nhóm và nhóm nhỏ.  Chính những buổi họp này đã giúp tôi phát triển đức tin của mình sâu đậm thêm. Tôi trở nên thích thú trong việc đọc sách báo công giáo để hiểu và yêu mến Chúa nhiều hơn. Thích nhất là những buổi họp Liên Nhóm Cursillo hằng tháng tại cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.  Ngồi trong phòng họp nhìn ra cửa sổ có cây magnolia lá hai màu, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới màu nâu gợi nhớ cho tôi cây vú sữa bên cửa sổ phòng ngủ tôi hồi còn ở nhà với cha mẹ. Lá cây vú sữa cũng là màu xanh lục ở trên màu nâu ở dưới như vậy. Những ngày ngồi thêu thùa hay đan len trong phòng, tôi thường ngắm nghía những cành lá sum sê cho tôi bóng mát mùa hè và những trái vú sữa chín ngon ngọt. Xa xa hơn nữa là những cây cao trong Leisure World. Khi thì nắng reo vui trên những hàng cây, khi thì hoa lá đang còn ngái ngủ trong màn sương, nhưng cảnh vật sáng sớm bao giờ cũng yên tĩnh, thinh lặng như cùng hiệp ý với chúng tôi trong phòng họp để nghiêm trang tôn thờ chúc tụng Chúa. Các anh chị em cùng nhau chia sẻ đời sống học đạo và hành đạo để cùng giúp nhau phát triển đức tin, thánh hóa bản thân và tha nhân, sống làm sao cho người ta nhận biết mình là con cái Chúa và làm sáng danh Chúa. Tôi cảm thấy một tình thân thương rất thành thật giữa các anh chị em, và tôi hãnh diện là một phần tử của liên nhóm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp còn có những ban thường vụ rất đáng kính.  Họ âm thầm làm việc phục vụ. Đã không mấy ai khen mà có khi còn bị chỉ trích, nhưng họ luôn luôn nhẫn nại kiên trì bảo tồn và phát triển cộng đoàn. Nếu không có lòng yêu thương Chúa sâu đậm thì không thể làm nổi.  Nói đến những ban thường vụ, làm sao quên được anh Triệu Ngọc Toàn? Trong những tháng ngày cuối cuộc đời, khi căn bệnh đã tàn phá gần hết cơ thể của anh, khi giọng nói đã khàn và yếu ớt, anh vẫn cố gắng đi dự lễ với cộng đoàn, vẫn tươi cười khuyến khích các trẻ em ca hát trong thánh lễ giới trẻ. Và khi anh đã kiệt sức không đến dự lễ với chúng ta được thì anh than với chị Khanh là “anh nhớ cộng đoàn mình lắm.” Lạy Chúa là Cha nhân lành, xin cho linh hồn anh Toàn được an nghỉ trong Chúa. Cộng đoàn lại còn có một số người tuy không thuộc hội đoàn nào, không mấy ai biết đến, nhưng khi thấy việc cần làm cho cộng đoàn là họ giúp liền không do dự, như sắp bàn ghế, quét dọn, hút bụi trong những bữa tiệc ở hội trường, hay nướng thịt cho buổi picnic hàng năm. Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp còn có nhiều điểm đáng thương khác nữa.

Trong suốt 25 năm qua, có cha quản nhiệm thì giảng rất thâm sâu, mọi người mong đến ngày Chúa Nhật đi dự lễ để nghe Cha giảng. Có Cha thì tươi cười hát hay, mỗi lần Cha cười là như cả nhà thờ sáng sủa vui tươi thêm. Nhưng cũng có cha không cười, bài giảng không lưu loát. Mới đầu thì cộng ̣đoàn hơi nản lòng, nhưng rồi mọi người lại cầu nguyện cho Cha, khuyến khích nhau duy trì cộng đoàn, nhắn nhủ nhau đi dự thánh lễ không phải vì cha giảng hay, nhưng là đến vì Chúa, để cùng nhau ca tụng thờ phượng Chúa, vì đây là điều Thiên Chúa mong muốn nhất nơi chúng ta. Dần dần cộng đoàn thông cảm và quý mến Cha và nhận ra nơi Cha những nét đạo đức bình dị nhưng cũng rất quý trọng. Thương cộng đoàn của chúng ta là ở chỗ đấy.

Vì thương cộng đoàn như thế nên tôi muốn góp phần vào việc xây dựng cộng đoàn bằng cách dạy giáo lý cho trẻ em. Quý vị đến nhà thờ St. Nicholas vào chiều Chúa Nhật là thấy sự sinh động của cộng đoàn chúng ta. Các em thanh thiếu nhi học lớp Việt Ngữ, giáo lý, họp Thiếu Nhi Thánh Thể rồi vào nhà thờ dự thánh lễ. Tôi luôn luôn dạy lớp Khai Tâm cho trẻ em lần đầu tiên đi học giáo lý. Trong lớp này có những em đã khôn ngoan, biết đọc biết viết, có những em đã thuộc một số kinh căn bản như Lạy Cha, Kính Mừng, và Sáng Danh vì ở nhà thường hay đọc kinh với cha mẹ ông bà. Nhưng cũng có một vài em chưa phân biệt được tay phải với tay trái. Học làm dấu thánh giá đã mấy tuần mà vẫn lẫn lộn tay này với tay kia, bên vai này với bên vai nọ. Nhưng tất cả các em đều ngây thơ, trong sạch như tờ giấy trắng. Buổi học giáo lý thường thường bắt đầu như sau: Các em đứng xúm nhau quanh bàn cô giáo, thay phiên nhau thắp khoảng 10 cây nến đặt trước ảnh Chúa Giêsu. Thắp nến xong, tôi chỉ vào ảnh Chúa và hỏi “Who is this?” Các em đồng thanh trả lời lớn tiếng: “Jesus, son of God, light of the World!” Rồi tất cả mọi người giăng tay phải lên thật cao và cùng tuyên xưng ̣đức tin: “ I believe in God, the almighty Father, creator of heaven and earth…” Tiếp theo là cầu nguyện cảm tạ Chúa đã cho các em có cha có mẹ, ông bà săn sóc các em, có cô thầy giáo và bạn bè ở trường giúp các em học; xin Chúa mở tâm trí các em để đón nhận lời Chúa. Sau đó các em trở về chỗ ngồi của mình. Có một số em thích ngồi những hàng ghế đầu gần bàn cô giáo, ngoan ngoãn chăm chỉ học hành. Một vài em khác lại thích ngồi những hàng cuối, hay đùa nghịch, nói chuyện trong lớp, làm chia trí các em khác. Đôi khi các em này làm tôi mệt nhoài, đắng cả cổ họng. Nhưng tôi hiểu Chúa đã giao phó cho tôi tất cả những em đó để dạy các em Thiên Chúa là tình yêu, Chúa Giêsu là Đấng cứu độ, và các em cần đáp trả tình yêu của Chúa bằng cách tử tế và yêu thương tất cả mọi người, ngay cả những người khuyết tật mà các em thấy ngoài đường hay ở trường học. Mỗi lần đi dạy là tôi xin Chúa Thánh Thần dùng môi miệng tôi mà dạy dỗ các em. Năm mười năm sau, các em sẽ không nhớ tôi đã dạy những gì, nhưng hy vọng là các em sẽ nhớ là tôi đã thương các em vì danh Chúa Kitô.

Lễ Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Cộng Đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp sắp tới. Cha quản nhiệm đã lo cho chúng ta đầy đủ từ vật chất đến tinh thần. Buổi tĩnh tâm tại nhà thờ vào chiều thứ sáu, mồng 3 tháng 10 là để cộng đoàn cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa đã ban hồng ân trong suốt 25 năm qua.Và vì đây là một lễ lớn, tiệc mừng được tổ chức tại nhà hàng Seafood Paracel, chị em trong hội Các Bà Mẹ Công Giáo không cần phải đầu tắt mặt tối lo thực phẩm mà lại có dịp ăn mặc đẹp để chào đón tất cả quý cụ, quý ông bà và anh chị em trong cộng đoàn cũng như bạn bè thân hữu.

Tôi xin tạm dừng nơi đây. Khó mà nói hết được những ân tình giữa tôi và cộng đoàn này. Xin hẹn quý vị đến kỳ báo kế tiếp.

PC